đánh giá game final fantasy xii the zodiac age

Final Fantasy XII – Thập niên đầu tiên của thế kỉ XXI chứng kiến sự trỗi dậy của hai hệ máy tạo nên dấu ấn của Sony là PlayStation và PlayStation 2, đi kèm với sự độ phổ biến của Final Fantasy.

Lúc này, những “đầu” game hết sức thành công và được người hâm mộ tung hô lên đến “tận trời”, điển hình: Final Fantasy VI, Final Fantasy VII, Final Fantasy VIII, Final Fantasy IX và Final Fantasy X/X-2… Đến nay, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những bài viết so sánh độ hấp dẫn của những phiên bản Final Fantasy kể trên và thường khó mà “phân tài cao thấp”.

Tuy nhiên, cho đến giữa dòng đời của chiếc máy PlayStation 2, phiên bản 12 của Final Fantasy được ra mắt.

Mặc dù cũng nhận lại nhiều lời khen và các điểm đánh giá cực cao từ những trang báo uy tín thời bấy giờ, nhưng nó lại không được “tôn thờ” như những tựa game trước.

Riêng với bản thân người viết, Final Fantasy XII lại luôn chứa đựng một sức hút riêng biệt mà không bất kỳ phiên bản nào trước đây có thể thay đổi.

Bởi thế, người viết luôn tự hỏi rằng liệu có phải mình quá “dễ dãi” khi cảm thấy ấn tượng với Final Fantasy XII hay không?

Ngoài ra, tới thời điểm hiện tại, người viết còn có thêm một thắc mắc liệu rằng sự “phá cách” trong lối chơi của Final Fantasy XII nếu đem so sánh với những tựa game hiện giờ, nó có quá lỗi thời và trở nên nhàm chán không?

Sau gần 8 năm khi người viết có cơ hội trải nghiệm lại tựa game Final Fantasy XII với một “bộ cánh mới” từ phía Square Enix – Final Fantasy XII: The Zodiac Age độc quyền trên PlayStation 4, thì những câu hỏi trên dường như đã có lời giải đáp.

Ngoài ra, kế bên những thay đổi nho nhỏ khác như thay đổi tên kỹ năng, cân bằng lại sức mạnh cho những nhân vật trong game hay cơ chế New Game+ thì còn có hai chức năng mới trong Final Fantasy XII: The Zodiac Age mà người viết cảm thấy cần được “vinh danh”.

Thứ nhất là Trial Mode, đây là chế độ chơi nằm ngoài phần chơi chính. Tuy nhiên, người chơi có thể sử dụng bản lưu (save) đang sử dụng để tham gia chế độ này. Ở Trial Mode, người chơi sẽ lần lượt chiến đấu với 100 lượt quái khác nhau với cấp độ gia tăng dần cho đến tầng cao nhất, chiến đấu ở Trial Mode có thể đem đến cho người chơi nhiều phần thưởng có giá trị về mặt vật phẩm, vì thế đây cũng được xem là một nơi lý tưởng để “cày đồ” cũng như tìm kiếm những trang bị hiếm. Những thử thách mà Trial Mode mang lại cũng không thể nào xem nhẹ, ngay cả khi bạn sở hữu một đội hình cực mạnh với hàng tá trang bị “khủng” cũng đừng nên quá chủ quan, vì có thể sẽ bị “ăn hành” bất cứ lúc nào!

Chức năng mới thứ hai chức năng mà người viết yêu thích nhất trong Final Fantasy XII: The Zodiac Age, đó chính là khả năng gia tăng tốc độ chung của game (Torbo Speed Mode). Bằng việc nhấn phím L1, toàn bộ mọi thứ diễn ra trong game sẽ được tua nhanh với tốc độ gấp đôi! Final Fantasy XII nói riêng và cũng như những game nhập vai Nhật Bản (JRPG) nói chung phần lớn đều đòi hỏi một quá trình “cày cuốc” không hề nhẹ của người chơi để có thể khiến nhân vật trở nên “bá đạo”, song một số game khiến việc cày cuốc này trở thành cực hình khi không hề có công cụ hỗ trợ mà thay vào đó là game thủ phải tự xử tất cả. Nhờ vào cơ chế gia tăng tốc độ kết hợp với hệ thống Gambits, thời gian cũng như “công sức” cày cuốc của người chơi được gia giảm hơn rất nhiều lần.

Phần đồ họa cũng được xem là một trong những nâng cấp chính xuất hiện ở Final Fantasy XII: The Zodiac Age. Tuy chỉ có những nâng cấp độ phân giải của hình ảnh, một chút gia tăng hiệu ứng ánh sáng cũng như đổ bóng và mặt nước, nhưng nhìn chung, hình ảnh của Final Fantasy XII: The Zodiac Age về mặt tổng thể lại không đến mức khó chịu khi so sánh với các game hiện nay. Thậm chí, việc nâng cấp đồ họa “nhẹ” này cũng khiến cho sự khác biệt giữa những đoạn CGI và hình ảnh thực tế của game được rút ngắn lại phần nào.

Không chỉ có hình ảnh, mảng âm thanh cũng được “tút” lại hoàn toàn. Giờ đây, Final Fantasy XII: The Zodiac Age còn hỗ trợ thêm cả hệ thống âm thành vòm 7.1, kèm với giọng lồng tiếng chất lượng cao, hỗ trợ cả hai ngôn ngữ tiếng Anh lẫn tiếng Nhật. Chưa kể, âm nhạc cũng được thu âm lại với chất lượng cũng như công nghệ mới hơn. Người chơi còn có quyền thay đổi chọn lựa âm nhạc cũ và mới cho game.

THẾ GIỚI RỘNG LỚN

Thế giới của Final Fantasy XII: The Zodiac Age được đặt tại vũ trụ Ivalice, nơi luôn xảy ra những tranh chấp về mặt chính trị giữa các vương quốc lớn tại đây.

Chính vì thế, cốt truyện của Final Fantasy XII cũng chứa đựng màu sắc chiến tranh, xung đột chính trị cũng như mối quan hệ phức tạp giữa các quốc gia.

Đây cũng có thể được xem là sự khác biệt lớn giữa Final Fantasy XII so với đa số những phiên bản Final Fantasy khác chủ yếu xoay quanh chủ đề tình yêu hoặc anh hùng giải cứu thế giới.

Lục địa Ivalice mang được xây dựng với quy mô khá lớn, mặc dù không tự do để người chơi có thể “phá phách” mọi nơi như các tựa game thế giới mở khác, nhưng nó vẫn đủ rộng để ẩn chứa bên trong vô vàn bí mật cũng như những hầm ngục đâu đó đang chờ người chơi khám phá.

CHƯA HẲN LÀ HOÀN HẢO

Xét về mặt tổng thể, Final Fantasy XII: The Zodiac Age thật sự xứng đáng được xem là một tựa game hay. Tuy nhiên, nó vẫn tồn tại những khuyết điểm mà hãng phát triển có thể dễ dàng cải thiện để khiến tựa game trở nên trọn vẹn hơn.

Đối với một tựa game rất đa dạng trong cách phát triển nhân vật như Final Fantasy XII: The Zodiac Age, thì việc bạn bị lỡ nâng sai kỹ năng hoặc lựa chọn nhầm chức năng cho nhân vật là điều khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, Final Fantasy XII: The Zodiac Age lại không cho phép người chơi đưa ra những thử nghiệm để có thể “xé nháp” và làm lại từ đầu thông qua các chế độ như thu hồi lại những điểm LP đã sử dụng. Vì thế, nếu bạn có lỡ làm sai điều gì thì chỉ có hai lựa chọn, một là… cắn răn đi tiếp… hai là chơi lại từ đầu.

Cốt truyện của Final Fantasy XII đồng ý là có khác so với nhiều phiên bản Final Fantasy khác, nhưng nhịp độ của nó lại không mấy cuốn hút. Mặc dù có ẩn chứa những tình tiết gây bất ngờ nhưng lối dẫn chuyện lại khó thành công trong việc kích thích người chơi đi sâu hơn vào câu chuyện. Thay vì tạo nên những nút thắt hay cao trào trong tuyến cốt truyện thì nhà phát triển lại chọn cách kể lể lòng vòng rồi sau đó “bùm”, kết cục xảy ra một cách nhanh chóng và người viết không cảm thấy có chút ấn tượng nào đối với từng sự kiện xảy ra. Chưa kể, nhiều sự phá cách trong cốt truyện lẫn lối chơi của Final Fantasy XII: The Zodiac Age, không khỏi khiến cho những ai đã từng chơi qua Final Fantasy từ những bản đầu tiên cho tới bản thứ 10 đều cảm thấy Final Fantasy XII có hơi bị….”lạc quẻ”.

Dàn nhân vật chính bao gồm 6 người với nhiều giai cấp, thứ hạng khác nhau trong xã hội. Song vai trò của nhân vật chính (Vaan) lại khá mờ nhạt, tính cách của anh chàng này lại không được thể hiện rõ nét làm cho người viết có cảm giác chính những người đồng hành của anh mới là nhân vật chính trong toàn bộ cốt truyện của Final Fantasy XII: The Zodiac Age.

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI SCE ASIA

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PS4