Hướng dẫn chơi cờ tướng khai cuộc – 3Q Chạy Ngay Đi

Hướng dẫn chơi cờ tướng khai cuộc là chủ đề trong bài viết hôm nay của chúng tôi. Khai cuộc, trung cuộc và tàn cuộc là 3 giai đoạn trong một trận đánh cờ tướng. Trong đó khai cuộc là những bước đi đầu tiên trong việc dàn quân, trong bài viết hôm nay của 3QChayngaydi.vn chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm hiểu về khai cuộc trong cờ tướng, các nguyên tắc cần biết và hướng dẫn cơ bản.

huong-dan-choi-co-tuong-khai-cuoc

Tầm quan trọng của khai cuộc trong cờ tướng

Khai cuộc tuy là những bước đi đầu tiên (khoảng 8-12 nước) nhưng nó lại có ảnh hưởng to lớn tới kết quả của cả một trận đấu cờ tướng. Khai cuộc tốt giúp bạn giành được lợi thế rất lớn ở trung cuộc và giúp bạn thuận lơi hơn ở tàn cuộc. Tất cả các cao thủ cờ tướng đều cho rằng khai cuộc tốt giúp bạn gần như đã giành được một nửa chiến thắng.

Tầm quan trọng của khai cuộc cũng thể hiện trong số lượng tài liệu về chơi cờ. Trong hơn 100 năm qua đã có rất nhiều tài liệu nghiên cứu hướng dẫn chuyên sâu về cờ tướng bao gồm khai cuộc, trung cuộc và tàn cuộc tuy nhiên chỉ có khoảng 30% sách nói về trung và tàn cuộc trong khi đó lại có tới gần 70% số lượng tài liệu còn lại là nói về khai cuộc. Nói như vậy để thấy được rằng tầm quan trọng của khai cuộc là lớn như thế nào.

Hiện tại vẫn đang có rất nhiều nghiên cứu và tổng hợp về khai cuộc, các kỳ thủ vẫn tiếp tục đào sâu, phân tích tổng hợp để tạo nên những thế cờ khai cuộc mới đầy sáng tạo. Mọi kỳ thủ khi chơi ở đẳng cấp cao đều quan tâm tới khai cuộc, khi thi đấu nhiệm vụ hàng đầu của họ là làm mọi cách đề giành được lợi thế ngay từ những nước đi đầu tiên hoặc tối thiểu là giữ được thế cân bằng sau giai đoạn khai cuộc.

Trong khai cuộc chỉ cần lỡ một nước đi mà bị đối thủ phát hiện và khoét sâu vào đó thì coi như thua. Bạn có thể theo dõi video dưới đây để thấy được chỉ một nước đi sai lệch có thể kéo theo cả một hệ quả lâu dài và kết quả cuối cùng chính là thua chung cuộc.

Tuy đã được nghiên cứu từ rất lâu xong đến tận bây giờ tất cả các biến thể khai cuộc vẫn còn chưa được tìm ra hết. Những nước đi mới hay và sáng tạo vẫn còn rất nhiều. Chẳng thế mà mỗi năm các nhà nghiên cứu, các cao thủ vẫn cho ra đời những tài liệu dày hàng trăm trang để chỉ rõ những biến thể nào đã lạc hậu, những biến thể nào mới và hiệu quả hay những biến khai cuộc nào còn đang gây tranh cãi.

Nhìn chung thì đầu xuôi đuôi mới có thể lọt, tầm quan trọng của khai cuộc là không thể chối cãi. Nếu muốn chơi tốt cờ tướng hay thậm chí là cờ vua thì đừng ngần ngại bỏ thời gian để nghiên cứu về khai cuộc. Tuy nhiên học về khai cuộc cũng không phải là dễ, không phải là tài liệu nào cũng đọc. Cần có lộ trình rõ ràng học từ căn bản tới nâng cao, từ nông tới sâu. Và trước hết có lẽ là phải nắm được những nguyên tắc cơ bản sau đây trong khai cuộc

Các nguyên tắc trong khai cuộc cờ tướng

Nhanh chóng triển khai các quân chính (xe, pháo, mã) giành thế chủ động

Giai đoạn khai cuộc là giai đoạn dàn quân, bố trí và chuẩn bị lực lược cho giai đoạn tiếp theo. Việc bố trí quân phải đảm bảo được cả việc tấn công và phòng thủ trong tương lai. Trong giai đoạn khai cuộc việc tiên quyết là phải nhanh chóng đưa các quân cờ mạnh đóng vai trò chủ lực như xe, pháo mã vào tham chiến.

Việc triển khai quân phải được thực hiện đều ở cả 2 cánh, ví dụ như xe phải tìm cách nhanh chóng đưa xe chiếm lấy các đường 2,4 và 6,8. Pháo thì tùy tứng thế trận khai cuộc mà sắp xếp vị trí cho hợp lý để dễ dàng triển khai về sau. 2 con mã thì phải đảm bảo sự an toàn cho tốt đầu nhằm giữ thế ở trung lộ, có thể phân chia 1 trong 2 con sẽ sử dụng cho phòng thủ và 1 con sẽ sử dụng cho tấn công nhằm giữ thế cân bằng.

Việc tấn công và phòng thủ cũng phải được tính trước. Ví dụ phải tính toán xem sẽ triên khai tấn công trước bằng những quân nào, quân nào sẽ hỗ trợ tiếp ứng, quân nào sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ phòng thủ. Nếu không tính toán trước sẽ dẫn tới tình trạng điều động quân tùy hứng gây rối loạn thế trận, mất thế chủ động.

Triển khai thế trận phải biến hóa, bố trí quân phải linh hoạt

Việc bố trí triển khai quân trong khai cuộc cờ tướng nhằm tạo thành một thế trận mà có thể phát huy tốt đặc điểm, điểm mạnh điểm yếu của từng quân cờ. Để làm được điều đó đòi hỏi phải xây dựng một thế trận linh hoạt, và cơ động.

Linh hoạt và cơ động ở đây nghĩa là các quân có thể dễ dàng di chuyển phối hợp bảo vệ lẫn nhau trong tấn công và phòng thủ, giữa cánh trái và cánh phải. Sự biến hóa và linh hoạt cũng thể hiện ở việc chuyển từ thế tấn công sang phòng thủ hoặc ngược lại từ phòng thủ sang tấn công một cách nhanh chóng hay chuyển từ thế cờ này sang thế cờ khác mà không bị mất thế chủ động.

Nếu làm được điều đó sẽ tránh được tình trạng bị phong tỏa khi các quân bị hạn chế tầm di chuyển, chặn đường lẫn nhau dẫn tới di chuyển khó khăn làm cho thế trận bị bí bách ngột ngạt.

Di chuyển hợp lý sĩ, tượng và tốt

Các quân chủ lực cần được triển khai nhanh chóng dẫn tới hệ quả tất yếu là việc phải hạn chế các nước đi ở các quân còn lại bao gồm sĩ, tượng và tốt. Ở đây có nghĩa là hạn chế tối đa các nước đi không cần thiết ở giai đoạn khai cuộc đối với tốt, tượng và sĩ.

Các nước đi cần thiết có thể kể đến tốt 3 tiếng 1, tốt 7 tiến 1 hoặc 2 tốt biên tiến một nhằm mở đường phát triển cho Mã sau này. Việc tiến tốt cũng giúp hạn chế và uy hiếp không cho tốt của đối phương di chuyển dẫn tới việc hạn chế mã đối phương di chuyển. Chính vì thế đôi khi chúng ta thường có những nước đi thí tốt để chiếm tiên đặc biệt khi có sự hộ trợ của pháo khi đó tốt sẽ tiến lên để khống chế mã của đối phương.

Trong các quân tốt thì tốt đầu có vai trò rất quan trọng, nó vừa là quân giúp chúng ta phòng thủ trung lộ cũng như tấn công trung lộ, mất tốt đầu có thể dẫn tới những hệ lụy rất lớn do đó cần thận trọng trong di chuyển.

Đối với sĩ và tượng đôi khi vì lý do phòng thủ nên bắt buộc phải di chuyển, tuy nhiên cần tính toán kỹ, không nên di chuyển nếu không thật sự cần thiết vì có thể lỡ thời cơ ra quân. Ngoài ra còn vì một số lý do khác chẳng hạn nếu muốn thuận lợi cho việc di chuyển của xe giữa hai cánh thì không nên lên sĩ sớm. Hoặc khi muốn thay đổi thế trận từ thế đơn đề mã, phản cung mã sang các thế nghịch pháo, thuận pháo thì không nên lên tượng sớm.

Hạn chế di chuyển một quân nhiều lần

Giai đoạn khai cuộc trong cờ tướng chỉ diễn ra trong 8-12 nước, chính vì thế nó không khác gì một cuộc chạy đua vụ trang, điều động quân để chiếm thế trận. Nếu tính 6 quân chính là xe pháo mã, tổng cộng mỗi quân là 1 nước chưa kể các nước đi tốt để mở đường thì đã có khoảng 8 nước. Do đó việc di chuyển 1 quân quá nhiều lần sẽ dẫn tới việc có những quân chủ lực chưa được điều động vào vị trí cần thiết và chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.

Chính vì thế trong khoảng 10 nước đầu tiên chúng ta phải di chuyển được ít nhất 6-7 quân, trong trường hợp di chuyển ít hơn sẽ khiến chúng ta bị động trong giai đoạn tiếp theo, khi đó nếu đối phương khai cuộc tốt hơn huy động được lực lượng lớn hơn chiếm được những vị trí trọng yếu mà tiến hành tấn công thì sẽ rất nguy hại.

Không vội vàng tấn công sớm khi chưa đủ lực

Nguyên tắc thứ năm đó là không vội vàng tấn công nếu không có đầy đủ lực lượng đã được triển khai. Đây là nguyên tắc được suy ra từ các nguyên tắc trên (phải di chuyển được đầy đủ các quân chủ lực, một quân không được di chuyển nhiều lần…).

Trong trường hợp vội vàng tấn công khi chưa triển khai hết quân chủ lực dễ dẫn tới việc đợt tấn công bị bẻ gãy và khi đối phương dàn quân đầy đủ sẽ khiến chúng ta mất thế chủ động. Việc tấn công sớm chỉ được cho phép nếu đối phương mắc sai lầm trong việc khai cuộc dẫn tới sơ hở mở ra thời cơ tấn công gây tổn thất lớn cho họ.

Trên đây chúng ta đã tìm hiểu 5 nguyên tắc chính trong khai cuộc cờ tướng cũng như tầm quan trọng của khai cuộc trong cờ tướng. Hãy cùng vận dụng ngay những lý thuyết này bằng thực chiến trong Cờ Thủ nhé!